Tìm hiểu về viêm xoang: Nguyên nhân và cách điều trị

Viêm xoang là bệnh lý liên quan tới tai, mũi, họng không còn quá xa lạ với mọi người. Không chỉ gây đau nhức, khó chịu mà viêm xoang còn gây ảnh hưởng tới sức khỏe, công việc, dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm. Bài viết này sẽ chia sẻ các thông tin về bệnh viêm xoang để mọi người cùng tham khảo.

1. Viêm xoang là gì?

Bệnh viêm xoang có tên tiếng Anh là Sinusitis. Đây là tình trạng lớp niêm mạc lót trong xoang bị viêm nhiễm, làm tắc nghẽn lỗ thông xoang. Tình trạng này gây ứ đọng dịch nhầy, chúng bám vào các thành xoang là đầy ứ, tắc nghẽn và tạo mủ trong xoang.

Thông thường, viêm xoang sẽ diễn tiến theo 2 cấp độ là cấp tính, mạn tính. Trong đó, viêm xoang cấp tính diễn ra trong thời gian ngắn, dưới 4 tuần. Còn viêm xoang mạn tính có thời gian dài hơn, khoảng trên 12 tuần. 

2. Nguyên nhân gây ra viêm xoang

2.1 Viêm xoang cấp

Những nguyên nhân dẫn tới tình trạng viêm xoang cấp gồm:

  • Nấm
  • Vi rút/vi khuẩn
  • Viêm amidan 
  • Người bệnh tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm, hóa chất độc hại hoặc khói bụi đặc nơi làm việc… 

2.2 Viêm xoang mạn tính

Bệnh viêm xoang mạn tính thường được gây ra bởi những nguyên nhân sau:

  • Do dị ứng, đặc biệt là phản ứng với hóa chất, phấn hoa có thể khiến đường mũi của bạn bị viêm nhiễm. 
  • Do sự phát triển của polyp mũi làm tắc nghẽn ở các xoang, khiến bạn khó thở qua mũi. 
  • Vách ngăn bị lệch làm hạn chế luồng không khí thông qua một hoặc hai lỗ mũi. 
  • Mũi, khí quản hoặc phổi bị nhiễm trùng do vi rút hoặc vi khuẩn. 

3. Biểu hiện của bệnh viêm xoang là gì?

Dưới đây là một số dấu hiệu viêm xoang thường gặp: 

3.1 Cảm thấy đau nhức 

Dấu hiệu này khiến cho bệnh nhân có cảm giác đau nặng ở vùng mặt và nhức đầu. Cảm giác này sẽ trở nên trầm trọng khi người bệnh cúi người hoặc nằm xuống. Tùy từng vị trí xoang bị viêm mà cảm giác đau của bạn sẽ có biểu hiện cụ thể như:

  • Người bị viêm xoang hàm sẽ bị sưng và đau nhức vùng má. 
  • Với bệnh viêm xoang trán, mí mắt người bệnh thường sưng sụp và cảm thấy đau nhức ở giữa hai cung lông mày. 
  • Viêm xoang bướm và viêm xoang sàng sau được biểu hiện với cảm giác đau nhức vùng gáy và đau sâu bên trong. 
  • Bệnh viêm xoang sàng trước sẽ khiến người bệnh đau nhức giữa hai mắt và đau hốc mắt. 

3.2 Chảy dịch nhầy 

Nếu các xoang trước như xoang hàm, xoang trán, xoang sàng trước bị tổn thương sẽ làm chất dịch chảy xuống mũi. Còn những xoang sau như xoang bướm, xoang sàng sau sẽ làm dịch mũi chảy xuống họng. Lúc đầu, dịch mũi có thể trong suốt rồi sau đó chuyển qua dạng đặc hoặc có thể kèm mủ xanh, vàng và mùi hôi. 

3.3 Bị nghẹt mũi

Triệu chứng viêm xoang này có thể xuất hiện liên tục hoặc từng thời điểm ở một hay cả hai bên mũi. Từ đó khiến cho người bệnh có thể bị mất khả năng ngửi do nghẹt mũi. 

Bên cạnh một số triệu chứng trên, người bị bệnh xoang còn gặp phải những biểu hiện như: ho, sốt, mệt mỏi, hơi thở có mùi… Tùy theo giai đoạn, mức độ bệnh mà các triệu chứng có mức độ khác nhau. 

4. Những biến chứng có thể xảy ra khi bị viêm xoang

Có thể thấy, những biểu hiện của viêm xoang kể trên không hề dễ chịu cho người bệnh. Chúng khiến bệnh nhân thường rơi vào trạng thái mệt mỏi, mất ăn và mất ngủ. Đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng tới chức năng hô hấp. Không những vậy, người bệnh viêm xoang còn gặp phải những biến chứng như: 

  • Biến chứng tại mắt: viêm xoang có thể làm cho người bệnh bị áp xe mí mắt, đau hốc mắt, sưng mí mắt, giảm thị lực đột ngột, áp xe tuyến lệ… 
  • Các biến chứng ở vùng tai - mũi - họng: viêm amidan, viêm họng, viêm tai giữa, viêm thanh - phế quản… 
  • Gặp biến chứng não: viêm não, viêm màng não, suy giảm trí nhớ… 
  • Một số biến chứng khác: nhiễm trùng máu, viêm tắc tĩnh mạch hang. Những biến chứng này rất nguy hiểm, có thể đe dọa tới tính mạng người bệnh. 

5. Chẩn đoán bệnh viêm xoang như thế nào?

Để chẩn đoán bệnh viêm xoang, bác sĩ sẽ đánh giá một số yếu tố thông qua quá trình thăm khám như sau:

  • Thực thể: khu vực ngách mũi giữa bị ướt, chảy mủ, phù nề; họng bị viêm mạn tính; quan sát thấy gờ Kauffman (niêm mạc ở ngách mũi giữa phì đại rồi tạo thành đường gờ dài); ở vùng mũi sau có mủ đọng; các tổ chức lympho đỏ ửng và có chất nhầy bám vào. 
  • Cơ năng: chảy nước mũi thường xuyên, đau nhức quanh mắt, ngạt mũi thường xuyên, có nước mũi kèm theo mủ xanh hoặc mủ vàng, xuất hiện các biến chứng liên quan đến mắt như: viêm thần kinh thị giác sau nhãn cầu, viêm mống mắt thể mi… 
  • Soi bóng mờ: các hốc xoang bị mờ đục hoặc bị ngấn mủ ứ đọng. 
  • Chụp X-quang: tại phim chụp thể hiện các xoang bị mờ đều thậm chí là mờ đặc. 

6. Làm sao để điều trị viêm xoang?

Đối với điều trị viêm xoang cấp tính, chủ yếu áp dụng điều trị nội khoa. 

Tại chỗ

Toàn thân 

  • Vệ sinh, thông thoáng khu vực hốc mũi: thực hiện đặt thuốc co mạch và hút dịch. 
  • Nhỏ thuốc: kết hợp sử dụng các loại thuốc co mạch, chống phù nề và sát khuẩn, áp dụng liệu pháp corticoid tại chỗ kéo dài. 
  • Xông hơi nước nóng: sử dụng các loại thuốc chứa tinh dầu, có thể bay hơi được. 
  • Khí dung mũi xoang: sử dụng thuốc kháng sinh kết hợp với corticoid. 
  • Điều trị kháng sinh trong 2 tuần đối với viêm xoang. Nên lựa chọn loại kháng sinh dựa trên kháng sinh đồ. 
  • Dùng các loại thuốc như: chống viêm, giảm phù nề, giảm đau, hạ sốt và thuốc nâng cao thể trạng. 

Đối với điều trị viêm xoang mạn tính, cần kết hợp giữa điều trị nội khoa và ngoại khoa. 

Điều trị nội khoa 

Điều trị ngoại khoa 

  • Áp dụng trong các đợt hồi viêm, thường được tiến hành trước và sau phẫu thuật. 
  • Tại chỗ/ Toàn thân: tương tự như điều trị viêm xoang cấp tính.

 

  • Chọc rửa xoang: thường được áp dụng đối với xoang trán mạn tính, xoang hàm. 
  • Phẫu thuật xoang: áp dụng khi việc điều trị nội khoa bị thất bại hoặc có sự bít tắc đường dẫn lưu tự nhiên của xoang. 

Ngoài ra còn có 2 phương pháp phẫu thuật là nội soi chức năng và phẫu thuật tiệt căn. Đặc biệt, phương pháp nội soi chức năng xoang ngày càng trở nên phổ biến và được áp dụng rộng rãi tại Việt Nam. Phương pháp này cho kết quả điều trị cao hơn so với phương pháp phẫu thuật tiệt căn xoang cổ điển. 

Việc chẩn đoán và điều trị việc xoang cần tuân thủ theo đúng chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa tai - mũi - họng để tránh gặp phải những hệ lụy không mong muốn. Bên cạnh đó, nếu thấy mình có những biểu hiện của viêm xoang, hãy đến bác sĩ thăm khám sớm để được chẩn đoán đúng và điều trị phù hợp. 

Trên đây là toàn bộ kiến thức về bệnh viêm xoang mà chúng tôi muốn chia sẻ tới bạn đọc. Mong rằng qua bài viết bạn sẽ hiểu rõ hơn cũng như biết cách phòng và điều trị bệnh hiệu quả. 

Nguồn tham khảo

*Tham khảo: “Viêm xoang: Nguyên nhân, Triệu chứng, Cách chữa" – Sở y tế Thái Nguyên

Truy xuất từ: 

https://soyte.thainguyen.gov.vn/tin-tuc-su-kien/-/asset_publisher/XQT17zvLF0Iw/content/cach-chua-ong-ot/2279735?viem-xoang-mui.html

*Tham khảo: “Viêm xoang cấp: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng ngừa và một số phương pháp điều trị” – Sức khỏe & Đời sống

Truy xuất từ: 

​​https://suckhoedoisong.vn/viem-xoang-cap-nguyen-nhan-trieu-chung-phong-ngua-va-mot-so-phuong-phap-dieu-tri-169210827153208443.htm

* Tham khảo: “Viêm xoang là gì? Điều trị viêm xoang như thế nào" – Sức khỏe & Đời sống 

Truy xuất từ: 

https://suckhoedoisong.vn/viem-xoang-la-gi-dieu-tri-viem-xoang-nhu-the-nao-16923121911153535.htm

Ngày truy xuất: 28/3/2024

CH-20240401-45