Viêm mũi dị ứng ở trẻ em: Nguyên nhân và phương pháp điều trị

Bệnh viêm mũi dị ứng có thể gặp phải ở bất cứ đối tượng nào. Với trẻ em, nếu không có biện pháp can thiệp sớm thì có thể dẫn tới những biến chứng phức tạp. Vậy làm thế nào để xử lý tốt bệnh viêm mũi dị ứng ở trẻ em? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về bệnh cũng như phương pháp điều trị trong bài viết dưới đây. 

1. Viêm mũi dị ứng ở trẻ em là gì?

Viêm mũi dị ứng ở trẻ em là một dạng bệnh dị ứng với những dấu hiệu đặc trưng như: chảy nước mũi, hắt hơi, viêm mũi, nghẹt mũi… Trước đây, bệnh này được xem là một bệnh về đường hô hấp ở mũi. 

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại bệnh viêm mũi dị ứng ở trẻ em được xem là một phần của phản ứng dị ứng toàn thân (bao gồm viêm da dị ứng, hen suyễn…). Thống kê cho thấy có tới 14.6% trẻ em ở độ tuổi 13 - 14 và 8.5% trẻ em ở độ tuổi 6 - 7 bị mắc bệnh viêm mũi dị ứng. Trong đó, đa phần trẻ em mắc phải viêm mũi dị ứng theo mùa. 

2. Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng ở trẻ

Những nguyên nhân gây ra viêm mũi ở trẻ em là do các yếu tố sau đây:

  • Tiếp xúc với những yếu tố gây dị ứng: bụi bẩn, phấn hoa, lông chó mèo, bào tử nấm… 
  • Do thời tiết thay đổi thất thường từ nóng qua lạnh khiến cho cơ thể của trẻ chưa kịp thích nghi. 
  • Các bệnh về đường hô hấp như: viêm amidan, viêm họng, viêm phế quản… cũng có thể gây kích ứng niêm mạc mũi, có thể làm nặng thêm bệnh viêm mũi dị ứng. 
  • Do yếu tố di truyền: Trong gia đình có người thân từng bị viêm xoang, viêm mũi dị ứng… 

3. Triệu chứng của viêm mũi dị ứng ở trẻ

Tình trạng viêm mũi rất hay gặp ở trẻ em, thường bắt đầu với những triệu chứng như: ngứa mũi, hắt hơi liên tục và chảy nước mũi. Lúc đầu là nước mũi trong rồi sau đó nặng hơn là nghẹt mũi. Những triệu chứng này cũng hay đi kèm với tình trạng chảy nước mắt, ngứa mắt ở trẻ.

4. Các biến chứng nguy hiểm của viêm mũi dị ứng ở trẻ

Không chỉ khiến trẻ cảm thấy khó chịu, mất ngủ, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày mà bệnh viêm mũi dị ứng còn gây ra những biến chứng nguy hiểm. Trẻ có thể mắc phải các biến chứng như: viêm xoang, viêm tai giữa, hen suyễn…

5. Phương pháp điều trị viêm mũi dị ứng cho trẻ

Có rất nhiều cách chữa viêm mũi dị ứng ở trẻ em. Dưới đây là một số cách mà phụ huynh có thể tham khảo. 

5.1 Tránh tiếp xúc với dị nguyên gây bệnh

Cần cho trẻ tránh xa khỏi các tác nhân gây bệnh, đặc biệt là những người bị viêm mũi dị ứng theo mùa. Nên thay đổi vỏ gối (bao gối), tấm trải giường thường xuyên và giặt với nước nóng để diệt vi khuẩn, bụi bẩn bám trên bề mặt. 

Hãy đưa thú cưng ra khỏi nhà hoặc cách ly ở một phòng riêng khi trẻ bị viêm mũi. Bạn cũng có thể sử dụng máy hút bụi công suất cao để giảm bớt lượng bụi mịn trong không khí. 

5.2 Dùng thuốc kháng histamin theo chỉ định

Để chữa viêm mũi ở trẻ em, bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng histamin để kiểm soát các triệu chứng bệnh. Tuy nhiên, thuốc kháng histamin thế hệ 1 lại có một số tác dụng phụ như an thần, gây khô miệng, táo bón, bí tiểu, táo bón, tim đập nhanh. Việc sử dụng thuốc kháng histamin ở dạng xịt mũi sẽ có tác dụng tại chỗ và giúp giảm tác dụng không mong muốn.

5.3 Rửa mũi bằng nước muối sinh lý

Trong trường hợp trẻ bị viêm mũi dị ứng, cha mẹ nên rửa mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý. Đây là một trong những cách chữa viêm mũi ở trẻ em phổ biến nhất. Nước muối sinh lý có khả năng rửa sạch những chất gây dị ứng ra ngoài qua đường mũi. 

Nên rửa mũi bằng nước muối sinh lý từ 2 - 3 lần/ngày để làm dịu niêm mạc hô hấp cũng như hỗ trợ và tăng cường dẫn lưu dịch. Theo nghiên cứu, việc rửa mũi cho trẻ em bị viêm mũi dị ứng cũng giúp cải thiện tình trạng ngứa ở họng, nghẹt mũi. 

6. Chế độ chăm sóc trẻ bị viêm mũi dị ứng tại nhà

Phụ huynh nên chú ý vệ sinh răng miệng cho trẻ hàng ngày, đặc biệt là đánh răng sau khi ăn cũng như trước, sau khi ngủ dậy. Tắm cho trẻ bằng nước ấm và tắm đúng cách. 

Tăng cường cho trẻ ăn nhiều trái cây tươi, rau xanh để bổ sung vitamin. Khi cần thiết, có thể cho trẻ uống thêm vitamin C để nâng cao sức đề kháng. Cần cho trẻ uống nhiều nước để hệ hô hấp của trẻ làm việc tốt hơn. Phụ huynh cũng nên đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị hợp lý. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc cho trẻ khi chưa được bác sĩ chỉ định. 

Bài viết đã cung cấp cho bạn kiến thức về tình trạng viêm mũi dị ứng ở trẻ em. Nếu trẻ có những triệu chứng nghi ngờ, cha mẹ không nên chủ quan mà cần đưa đi khám ngay. Ngoài ra cũng cần giữ cho môi trường sống sạch sẽ, vệ sinh cá nhân cho trẻ đúng cách và đều đặn mỗi ngày.. 

Nguồn tham khảo: 

  • https://bachmai.gov.vn/tin-chi-tiet/-/bai-viet/211-TRIAL-bac-si-ch-cach-cham-soc-tr-b-viem-mui-d-ng-trong-nh-ng-ngay-thay-d-i-th-i-ti-t+179-146.html

  • https://soyte.thainguyen.gov.vn/tin-tuc-su-kien/-/asset_publisher/XQT17zvLF0Iw/content/cach-chua-ong-ot/2279735?viem-mui-di-ung.html

  • https://suckhoedoisong.vn/dung-nuoc-muoi-sinh-ly-dung-cach-trong-dieu-tri-viem-mui-di-ung-16922052909290188.htm

  • https://suckhoedoisong.vn/viem-mui-va-viem-mui-di-ung-o-tre-em-169211027172201731.htm

CH-20240421-03